Trong 10 trường đào tạo ngành Toán hàng đầu thế giới, Mỹ có 8 đại diện nhưng đứng đầu là Đại học Oxford của Vương quốc Anh.
Bảng xếp hạng dựa theo kết quả khảo sát và nghiên cứu của Times Higher Education (THE), công bố vào giữa tháng 10:
STT | Trường | Quốc gia | Điểm đánh giá | Xếp hạng thế giới |
1 | Đại học Oxford | Anh | 95,6 | 1 |
2 | Đại học Stanford | Mỹ | 94,9 | 2 |
3 | Đại học Harvard | Mỹ | 94,8 | 3 |
4 | Viện Công nghệ Califoria | Mỹ | 94,5 | 4 |
5 | Viện Công nghệ Massachusetts | Mỹ | 94,4 | 5 |
6 | Đại học Cambridge | Anh | 94 | 6 |
7 | Đại học California (Berkeley) | Mỹ | 92,3 | 7 |
8 | Đại học Yale | Mỹ | 91,6 | 8 |
9 | Đại học Princeton | Mỹ | 91,5 | 9 |
10 | Đại học Chicago | Mỹ | 90,3 | 10 |
Top 10 đại học đào tạo toán học hàng đầu cũng là những trường tốt nhất thế giới, được xếp theo thứ tự từ 1 đến 10. Điểm đánh giá của các trường này đều từ 90 trở lên, trung bình 93,4.
THE xếp hạng đại học theo 13 chỉ số được chia thành 5 nhóm tiêu chí để tính điểm đánh giá, gồm: Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số tính điểm xếp hạng là 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập, danh tiếng) 30%; trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 30%; triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 7,5% và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức) 2,5%.
Đại học Princeton, Mỹ, trường đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng. Ảnh: Shutterstock
Vương quốc Anh có hai đại diện, trong đó Đại học Oxford đứng đầu với điểm đánh giá 95,6. Trường cũng đứng đầu thế giới nhiều ngành học khác như Truyền thông, Sức khỏe, Khoa học máy tính...
Một trường khác của Anh là Đại học Cambridge, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng, đạt 94 điểm. Cùng với Đại học Oxford, hai trường này được coi là danh giá và chất lượng bậc nhất nước Anh.
Tám viện, đại học còn lại của Mỹ bao gồm: Stanford, Harvard, Công nghệ California, Công nghệ Massachusetts, California, Yale, Priceton và Chicago.
Ngoài thế mạnh về toán học, các trường này cũng thường xuyên lọt top trong các bảng xếp hạng đào tạo nhiều ngành học khác như Truyền thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật, Sức khỏe... Nhờ nổi trội trong đào tạo và nghiên cứu, tám trường đều nằm trong top 10 đại học tốt nhất nước Mỹ 2021 của THE.
Nguồn Vn.express.netĐam mê công nghệ, chàng trai 25 tuổi vừa học vừa làm để đổi ngành
Nguyễn Quốc Tuấn (quê Long An) chọn học trực tuyến để vừa học vừa làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, lại thỏa mãn đam mê. Học lại từ đầu ở tuổi 25 Ở tuổi 25, trong khi nhiều bạn bè đã ra trường, công việc ổn định, Nguyễn Quốc Tuấn vẫn ngày đêm chạy đua với những bài học online. Tự sự chuyện học code, Tuấn nói, không có đam mê thì không theo nổi. Có những bài tập liên quan đến thiết kế sáng tạo giao diện, cậu code suốt 3 tiếng đồng hồ, dò lỗi, kiểm tra rồi hoàn thiện mất thêm 6 tiếng. Vậy mà không hài lòng, cậu làm lại mất thêm 9 tiếng nữa mới ra sản phẩm như ý. Hay có những khi đối mặt với định kiến học là phải đến trường, ngồi máy tính là chơi game, hư hỏng... Tuấn không khỏi cảm thấy chán nản. Dù vậy, coi đó như cục đá tảng ngáng đường, Tuấn chỉ có một lựa chọn ứng xử là đường ta chọn, ta cứ đi. Tuấn cho biết, cậu chọn học FUNiX để không phải mạo hiểm "ăn bám" ba mẹ học thêm ba năm mới lấy được bằng Đại học Công nghệ thông tin, hay chấp nhận làm trái ngành nghề yêu thích mãi mãi. "Biết đến FUNiX vì có hai người bạn đại học chuyển nghề thành công khi học ở đây, giấc mơ CNTT của tôi như sống lại" – Tuấn kể về cơ duyên trở thành xTer. 25 tuổi, Nguyễn Quốc Tuấn quyết định chuyển ngành theo đúng đam mê, bắt đầu bằng việc học lập trình tại FUNiX. Quốc Tuấn từng nghỉ làm ở hai công ty khi được mời vào vị trí cao hơn, vì nếu nhận lời, cậu sẽ không có thời gian cho việc học, cũng như "phụ" tấm lòng của ông chủ. Hiện cậu vừa làm trợ lý sản xuất cho Giám đốc tại một công ty thép, vừa làm sinh viên. Có những khi công việc bận, phải đi làm tới 8-9 giờ tối, 10 giờ mới ngồi vào bàn học. "Cũng có khi làm về quá mệt không học nổi một chữ... nhưng rồi tận dụng tối đa thời gian trống, cũng như tận dụng sự hỗ trợ nhiệt tình của mentor, tôi đã hoàn thành 2 chứng chỉ đầu tiên", Tuấn chia sẻ. Những thời điểm nghỉ làm để chuyên tâm học, Nguyễn Quốc Tuấn phải gom góp từng đồng lấy tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí và phụ giúp mẹ. Không đủ tiền để học liên tục, cậu sinh viên Long An phải nghỉ học vài tháng để tiếp tục tích góp, mục tiêu học cho bằng xong Chứng chỉ 2. Đầu tháng 4/2019, nhiều dự định của Tuấn sụp đổ vì tài chính eo hẹp. Suốt hai tháng Tuấn không có thời gian cho việc học, liên tục nợ môn. Không muốn dở dang ước mơ lần nữa, cậu hạ quyết tâm cao đến tháng 6/2019 phải hoàn thành Chứng chỉ 3 để có đủ tự tin vào làm việc tại một công ty công nghệ ở đúng chuyên ngành mình yêu thích. Bài học chọn nghề Nguyễn Quốc Tuấn nói, thực ra sau hai chứng chỉ đầu của FUNiX, tôi có thể đảm nhận một số công việc freelancer trong ngành. Nhưng vì đã bỏ lỡ nhiều năm, giờ cậu vẫn muốn học hành bài bản, trang bị những kiến thức quan trọng, để tự tin nhất trong công việc. Đồng thời, cậu hoàn thành một số khóa học online cần thiết khác bổ trợ cho nghề lập trình sau này. "Khi học, tôi thường làm theo nguyên tắc: nắm được khái niệm cơ bản và tự soạn tài liệu ghi chép lại những thứ mình hiểu, để nhớ nhiều hơn thì tranh thủ làm bài tập và đặt vấn đề" - Quốc Tuấn nói. Có lần Tuấn đặt câu hỏi cho mentor mà chưa chịu tìm hiểu về chủ đề này trước đó, bị mentor hỏi ngược lại, cậu lúng túng và có được một bài học quan trọng: Luôn tìm hiểu thông tin trước khi đặt câu hỏi, hỏi theo hướng xin lời khuyên từ mentor, hỏi có chất lượng. Nhờ những lần trao đổi này, được các đàn anh trong nghề hướng dẫn cả kiến thức và phương pháp học, Tuấn hiện đã tự tin đi đến chặng cuối của Chứng chỉ 3. Sự đồng hành của đội ngũ mentor – các chuyên gia công nghệ giúp sinh viên FUNiX tự tin trong hành trình học tập. Bằng chính câu chuyện của mình, Tuấn cho rằng, các bạn trẻ khi quyết định chọn hướng nghề nghiệp cần phải xác định rõ tính cách con người và khả năng của mình và chọn nghề phù hợp. "Đừng nên lựa chọn một cách mơ hồ, thiếu phân tích. Trong trường hợp đam mê nhưng bạn nhìn thấy khả năng, tính cách của mình không phù hợp thì hãy cố tìm hiểu ngành mình thích cần những gì và có cách để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm, nỗ lực cá nhân" – chàng xTer quê Long An cho biết. Trong tương lai gần, Tuấn muốn dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng lập trình và học nâng cao để hoàn thành mơ ước làm một lập trình viên, một chuyên gia CNTT. Xa hơn, chàng trai 25 tuổi cũng mong muốn mình có thể trở thành một người thầy trong nghề, chia sẻ và truyền cảm hứng với những người cần đến - như cậu hiện nay.
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2019 tăng hơn 30%
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay hơn 887.000, giảm gần 40.000 so với năm 2018. Trong đó, hơn 653.000 em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Dù vậy, chỉ tiêu tuyển sinh vào các đại học tăng gần 7,6%, tương đương gần 490.000. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 46.285, tăng hơn 30% so với năm ngoái. Trao đổi với báo chí ngày 11/5 tại Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giải thích chỉ tiêu tuyển sinh năm nay tăng vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chỉ tiêu được xác định trên năng lực đảm bảo chất lượng của các trường, những năm gần đây điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường tăng. Ví dụ, số giảng viên đã tăng từ 72.000 lên 79.000 trong năm vừa qua. Thứ hai, theo quy chế trước đây, các trường chưa kiểm định, kể cả năng lực có tăng, số giảng viên có tăng cũng không được tăng chỉ tiêu so với năm trước liền kề. Gần đây các trường đã kiểm định, đạt kết quả nên được đưa ra mức chỉ tiêu đúng với năng lực của mình. Bà Phụng cho biết hiện có hơn 120 trường đạt kiểm định. Số này được tăng chỉ tiêu do kết quả kiểm định ngày càng tốt hơn. Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tính đến việc bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đầu ra đáng kể. Số lượng thí sinh ra trường thấp hơn lúc nhập học cho thấy quá trình đào tạo, chuẩn đầu ra của trường tốt hơn và trường đã tạo ra được sự cạnh tranh trong quá trình học. "Với những trường có sàng lọc giữa đầu vào và đầu ra, chúng tôi sẽ tính tỷ lệ hợp lý để cộng chỉ tiêu tuyển sinh", bà Phụng nói. Dù tổng chỉ tiêu năm 2019 tăng nhẹ, Vụ trưởng Giáo dục đại học lưu ý tổng đó chỉ là số chỉ tiêu tối đa các trường có thể tuyển. Thực tế những năm qua, hầu hết trường tuyển chỉ 80-85% là tối đa. Vì vậy, chỉ tiêu tăng thì chưa chắc số lượng tuyển được sẽ tăng vì còn phụ thuộc vào nguyện vọng của người học. Đối với chỉ tiêu sư phạm, bà Phụng thông tin từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Cục Nhà giáo phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2018 đến 2025. Theo đó, tất cả tỉnh thành phải cân đối nhu cầu đào tạo giáo viên mà tỉnh mình cần bổ sung trong giai đoạn đó. So với năm ngoái, nhu cầu đào tạo giáo viên các tỉnh đưa lên tăng so với năm trước cho nên chỉ tiêu đào tạo sư phạm của năm nay tăng. Theo bà Phụng, nếu như tính đúng, các tỉnh sẽ phải tính số giáo viên đang sử dụng, độ tuổi của họ ra sao, bao nhiêu người sẽ về hưu, cần bổ sung bao nhiêu vì những lý do như chuyển ngang..., từ đó tính ra số giáo viên cần tuyển rồi đề xuất lên. Bộ sẽ dựa theo đó để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm cũng dựa trên cơ sở năng lực của các trường. Cô giáo trường Trưng Vương, Quảng Trị, thi viết chữ đẹp. Mùa tuyển sinh năm 2017, ngành sư phạm gây lo lắng cho xã hội khi điểm đầu vào của nhiều đại học, cao đẳng thấp. Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 6/14 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn là 15,5, bằng mức sàn. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Đặc biệt khối cao đẳng sư phạm, có trường chấp nhận thí sinh được 3 điểm mỗi môn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (tháng 8/2017) đã gấp rút yêu cầu giải quyết chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ sau đó chỉ đạo giao chỉ tiêu cho các trường, theo đơn đặt hàng của địa phương và trên đà giảm. Từ năm 2018, Bộ bỏ điểm sàn đại học, trừ nhóm ngành sư phạm. Năm 2018, ngành sư phạm giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh, còn 35.000, giảm 17.000 so với năm trước.
Bộ GD-ĐT nói gì về chọn sách giáo khoa?
TS Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới đa dạng. Có 36/63 tỉnh, thành chọn cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt. Học sinh tham khảo sách giáo khoa lớp 1 mới - Ảnh: Tự Trung "Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tôn trọng lựa chọn của hội đồng chọn sách giáo khoa của các trường nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng thông tư hướng dẫn do Bộ GD-ĐT ban hành." - Ông Thái Văn Tài. Những địa phương còn lại đều chọn sách của ít nhất ba bộ sách giáo khoa. Chọn theo môn, không nguyên bộ sách Theo kết quả chọn sách giáo khoa báo cáo về Bộ GD-ĐT, phần lớn các trường lựa chọn sách theo môn chứ không quyết định lựa chọn nguyên một bộ sách giáo khoa của một đơn vị xuất bản. Có nghĩa bộ sách giáo khoa được các trường quyết định chọn làm tài liệu chính thức để dạy học thường là tập hợp sách giáo khoa của nhiều bộ khác nhau. Các hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi môn học làm việc độc lập để lựa chọn sách tốt nhất theo quan điểm của các thành viên hội đồng. Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Tài, cũng có một số tỉnh, thành có kết quả chọn sách tập trung cao ở một bộ sách giáo khoa nào đó. Đơn cử như bộ "Chân trời sáng tạo" được 80% số trường tại TP.HCM lựa chọn. Bên cạnh đó, cũng có những tỉnh, thành có trên 80% chọn tất cả sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều. Xét ở từng môn học, có những bộ sách giáo khoa trong số năm bộ sách được phê duyệt có từ 1-3 sách giáo khoa được chọn với tỉ lệ trên dưới 80% trên địa bàn tỉnh hoặc quận, huyện. Mặc dù cho rằng kết quả chọn sách giáo khoa như vậy là bình thường nhưng ông Thái Văn Tài cũng cho biết Bộ GD-ĐT có chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chọn sách giáo khoa ở một số địa phương có kết quả chọn sách khác với mặt bằng chung để đảm bảo không có tiêu cực, sai phạm trong quá trình chọn sách. Nhưng tới thời điểm này, chưa có địa phương nào phải hủy kết quả chọn sách giáo khoa do làm sai quy định. Tránh bán kèm tài liệu tham khảo Ông Thái Văn Tài cho biết ngay trong đợt chọn sách giáo khoa lớp 1 vừa qua cũng có một số địa phương quyết định trích ngân sách để các trường mua đủ 5 bộ sách giáo khoa đưa vào thư viện, tủ sách dùng chung và mua đủ cho 100% giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học tới. Trong đó có một bộ sách giáo khoa được chọn là tài liệu bắt buộc, các sách giáo khoa còn lại là tài liệu cho giáo viên để xây dựng bài giảng, tài liệu tham khảo cho học sinh trong quá trình học tập. Đơn cử như tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo trích từ ngân sách chi thường xuyên để mua các bộ sách giáo khoa đưa vào thư viện trường và để giáo viên tiếp cận. Trên thực tế, các đơn vị có sách giáo khoa được phê duyệt đợt vừa qua cũng có các chính sách nhằm tăng thêm giá trị cho bộ sách của mình. Ví dụ như cung cấp sách giáo viên, học liệu điện tử, hệ thống bài giảng mẫu, hệ thống bài tập tương tác điện tử miễn phí. Đây là yếu tố hấp dẫn với cán bộ quản lý còn bỡ ngỡ, lo lắng khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Ông Thái Văn Tài cho biết quan điểm "khuyến khích sự đồng hành của các đơn vị xuất bản". Tuy nhiên, những tài liệu, học liệu đi kèm nên miễn phí, không bán kèm, để tránh việc "bán kèm sách tham khảo và thiết bị dạy học" cùng với sách giáo khoa, gây gánh nặng cho các nhà trường và phụ huynh. Ông Thái Văn Tài cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục thiết bị hỗ trợ dạy học tối thiểu. Những nơi có điều kiện đầu tư thiết bị dạy học nằm ngoài danh mục tối thiểu bằng nguồn xã hội hóa cần đảm bảo đúng quy định pháp luật trong việc này. Chọn theo "gu" Ông Thái Văn Tài cho biết những nhóm tác giả khi biên soạn có thể sẽ chú ý đến tính vùng, miền, đến các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Việc này cũng thể hiện ở kết quả có những vùng miền chọn nhiều sách giáo khoa cùng "gu". Ví dụ như bộ "Chân trời sáng tạo" là bộ sách của nhóm tác giả miền Nam biên soạn, từ cách sử dụng hình ảnh, địa danh, từ ngữ sẽ khiến giáo viên, học sinh tìm thấy sự gần gũi. Đây cũng là một lý do bộ sách này được chọn nhiều ở TP.HCM. * Ông Lê Hồng Vũ (trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội): Khi sách giáo khoa không là "pháp lệnh" Khi các trường, thầy cô giáo và phụ huynh cùng quen với việc sách giáo khoa chỉ là tài liệu và việc dạy học sẽ bám sát chương trình chứ không phải dạy theo sách giáo khoa như thể "pháp lệnh" thì vấn đề chọn sách nào sẽ không còn căng thẳng nữa. * Cô Nguyễn Thị Hương (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ngôi Sao, Hà Nội): Chọn sách giúp giáo viên dễ hình dung công việc Trường tôi chọn sách toán và tiếng Việt của một bộ sách vì thiết kế rất rõ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhưng không bị khuôn cứng mà chỉ mang tính gợi mở. Đặc biệt là sách giáo viên của họ hướng dẫn khá kỹ, giáo viên có năng lực tốt hay chưa tốt đều có thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Đơn vị xuất bản cam kết cung cấp học liệu điện tử miễn phí và đồng hành tập huấn, hỗ trợ giáo viên trong quá trình sử dụng sách. Vì thế chúng tôi bỏ phiếu với tỉ lệ cao. * Cô Trần Thị Thanh Hà (phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai): Gần mô hình dạy học đã triển khai Trường tôi chọn sách giáo khoa của nhóm tác giả thiết kế gần với mô hình tổ chức dạy học trường tôi từng triển khai các năm qua. Tiết học được thiết kế bao gồm các hoạt động học, phát huy quá trình chủ động, tích cực của trẻ với các hình thức đa dạng, chú trọng tương tác theo nhóm, theo cặp và hoạt động cá nhân của trẻ. Vì đã quen, thầy và trò đều thấy gần gũi nên việc lựa chọn cũng dễ thống nhất. Vĩnh Hà
Ra nước ngoài học nghề, tại sao không?
Tiêu chuẩn nhập học dễ dàng, chương trình học thực tế, ra trường dễ tìm việc... đây là những điểm hấp dẫn của du học nghề. Anh Thy (giữa) trong lớp học làm bánh tại Le Cordon Bleu - Ảnh: HOÀNG ANH Nhắc đến du học, tưởng chỉ có những trường ĐH danh giá cùng các ngành học nghe tên đã thấy "sang sang". Tuy vậy, hiện có hướng đi khác đang dần phát triển và hứa hẹn có thể sẽ là lựa chọn lý tưởng trong tương lai cho các bạn trẻ, đó là du học nghề. Tiêu chuẩn nhập học dễ dàng, chương trình học thực tế, ra trường dễ tìm việc... đây là những điểm hấp dẫn của hình thức du học này. Sẵn sàng đón làn sóng Những ngày này, Phạm Vũ Anh Thy (TP.HCM), học Trường đào tạo nghề bếp Le Cordon Bleu (Úc), đang cố gắng ôn tập những bài học cuối cùng để có thể hoàn thành chương trình CĐ nâng cao kéo dài khoảng 3 năm của mình. Thy chia sẻ khối lượng bài học nhiều đến nỗi Thy đã phải tạm dừng công việc làm bếp trưởng cho một hệ thống nhà hàng Dessert Story tại Melbourne (Úc). "Ở đây không chỉ dạy người học trở thành một người thợ có kỹ thuật nấu ăn và bảo quản nguyên vật liệu, mà dạy để là một đầu bếp được trang bị thêm kiến thức quản lý, nhân sự, kinh doanh..." - Thy cho biết. Những chương trình du học về nghề như Anh Thy đang theo đuổi đang dần thu hút nhiều bạn trẻ VN bởi sự thực tế trong chương trình học cùng khả năng tìm việc nhanh chóng, trong khi yêu cầu nhập học tương đối dễ dàng hơn nhiều so với học ĐH: tốt nghiệp THPT với học lực trung bình trở lên và có IELTS điểm từ 5.0-5.5. Các quốc gia phát triển cũng đang sẵn sàng đón làn sóng du học vào các trường CĐ nghề. Chẳng hạn theo số liệu của Chính phủ Úc, hiện có gần 60 trường đào tạo nghề công lập và hơn 200 trường đào tạo nghề tư thục trên cả nước với hơn 400 nghề. Các chương trình học cũng rất đa dạng với nhiều lựa chọn về thời gian và bằng cấp. Tại Mỹ, ông Andrew K. Stephens, trưởng bộ phận tuyển trạch và quản lý các vấn đề người học quốc tế của Trường CĐ Cộng đồng Hillsborough (bang Florida), cho biết hiện trường có khoảng 30 du học sinh VN đang theo học nghề tại trường, tuy không nhiều nhưng đã tăng đáng kể nếu so với 2 năm trước đây. Ông Stephens nhận xét du học nghề thường gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương, chẳng hạn ở Florida, nhu cầu về du lịch rất lớn. Do đó, nghề bếp luôn nằm trong những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyên môn hóa và theo nhu cầu thực tế của từng nơi sẽ giúp người học dễ dàng vận dụng. Nghề đáng giá... tỉ đồng Du học nghề trên thế giới chia làm 2 nhánh: nhánh trường tư với học phí đắt đỏ và nhánh trường công lập với con đường chính quy. Theo ông Stephens, khó có thể so sánh chất lượng của trường tư và trường công trên diện rộng bởi cả hai đều có những thế mạnh riêng và hướng đến những đối tượng du học sinh khác nhau. Ông Nguyễn Quốc Anh, giám đốc một công ty tư vấn du học tại TP.HCM, cho biết thông thường những bạn ra nước ngoài học về nghề thường chọn những ngành phổ biến và dễ dàng ứng dụng khi muốn tìm việc ở nước sở tại hay về VN làm việc. Số lượng lớn nhất là du học về nghề bếp, quản trị nhà hàng khách sạn, điều dưỡng, CNTT, chăm sóc sắc đẹp... "Theo tôi quan sát, đa phần các bạn đi du học nghề đều thuộc những gia đình có điều kiện khá giả, do đó thường chọn những trường có danh tiếng và bằng cấp có thể được chấp nhận ở nhiều nơi. Dù học phí khá cao, có khi lên đến 2-3 tỉ đồng cho một khóa 18-24 tháng" - ông Quốc Anh nói. Chị Nguyễn Thị Minh Trang (TP.HCM), phó chủ tịch Hội du học sinh Thụy Sĩ tại VN, chia sẻ khi tham gia các chương trình học nhà hàng khách sạn ở Thụy Sĩ, người học thường được học xen kẽ 4-5 tháng học và 4-5 tháng thực tập ở một nhà hàng - khách sạn trong hoặc ngoài nước và thường có liên kết với nhà trường. Chị Trang cho biết chi phí cho những chuyến thực tập này không nằm trong học phí nên người học luôn phải cân nhắc về địa điểm thực tập. "Cách đây khoảng 7 năm, khi đang học Học viện HIM (Thụy Sĩ), mình từng thực tập ở Mỹ và tốn rất nhiều tiền từ việc xin visa, đi lại đến ăn ở bên đó. Công việc thực tập có trả lương nhưng vẫn không thấm vào đâu với con số đã bỏ ra" - chị Trang kể. Ngoài ra, một khoản đầu tư không hề nhỏ nữa khi du học nghề chính là sự trải nghiệm. Với Anh Thy, đó là việc tìm tòi và khám phá thế giới thông qua việc đi siêu thị mua sắm và vào các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp để quan sát và học hỏi. Theo Anh Thy, nếu không có bước này sẽ không thể trở thành một đầu bếp giỏi. Tương tự, ông Steven Hales, trưởng bộ phận tuyển sinh quốc tế Trường CĐ Contra Costa (California, Mỹ), nói rằng một người học theo học về kỹ thuật và thiết kế thời trang thường phải chủ động tham gia những buổi trình diễn thời trang, tham gia triển lãm, tìm tòi về những món hàng hiệu để theo kịp xu thế mới nhất. "Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc để thành nghề" - ông Hales nói. Nên biết bắt đầu từ đâu Nguyễn Thị Thanh Dung (TP.HCM) chia sẻ khoảng thời gian du học ngành chăm sóc sắc đẹp ở Trường CĐ nghề Seogang (Hàn Quốc) - với bạn, là một thất bại. Do ban đầu nghĩ rằng du học nghề sẽ tương đối "dễ thở" hơn so với ĐH nhưng thực tế Dung lại tốn khá nhiều thời gian với tiếng Hàn. "Mình đã học ở VN 6 tháng, sang Hàn Quốc học thêm 6 tháng nữa để lấy được TOFIK II. Thời gian dành để học tiếng với mình là rất vất vả nhưng khi vào trường học mình cũng không thể hiểu hết những gì thầy cô giảng rồi gặp stress một giai đoạn dài" - Dung cho biết 3 tháng sau bạn về nước vì không thể tiếp thu. Dung chia sẻ do được giới thiệu 80-100% học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm tại Hàn Quốc, đồng thời điều kiện đi du học cũng khá đơn giản nên đã quyết định du học. "Dù du học bậc nào cũng có tiêu chuẩn riêng và bản thân mình phải phù hợp thì hãy bắt đầu chứ không nên gượng ép" - Dung đúc kết. Theo chị Minh Trang, nhiều bạn trẻ du học nghề trở về với suy nghĩ sẽ ngay lập tức được đề bạt vào những vị trí quản lý cao. Nhưng với các nghề nói chung và ngành nhà hàng khách sạn nói riêng, trước hết cần sẵn sàng bắt đầu ở những vị trí cấp dưới rồi mới lên trưởng bộ phận, và các chức vụ quản lý khác. "Đường đi lên là khó khăn nhưng tùy vào kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và thái độ của mỗi người. Khi ra trường, các bạn nên có đam mê và khát vọng nhưng nên biết mình bắt đầu ở đâu" - chị Trang chia sẻ.
hoctruongnao.vn được xây dựng bởi công ty Worksmedia Việt Nam - 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Thông qua công cụ tìm kiếm trường học chi tiết theo khu vực, ngành nghề và khóa học, sản phẩm ra đời nhằm mang lại cho người dùng một dịch vụ hữu ích, chính xác, chất lượng cao và giúp tiết kiệm chi phí nhất.
2016 © Worksmedia Vietnam Co.,Ltd. All Rights Reserved.