Những người có trình độ tiếng Anh chưa cao nên sử dụng ba phương pháp nghe sâu gồm nghe chép chính tả, chi tiết và nhắc lại.

Giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, như đá bóng, cầu lông, thuyết trì"/>

Tin tức giáo dục

Bốn phương pháp luyện nghe tiếng Anh

Những người có trình độ tiếng Anh chưa cao nên sử dụng ba phương pháp nghe sâu gồm nghe chép chính tả, chi tiết và nhắc lại.

Giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, như đá bóng, cầu lông, thuyết trình, nghe tiếng Anh đều cần sự luyện tập thường xuyên. Có bốn phương pháp luyện nghe cơ bản dành cho các trình độ và mục tiêu, trong trường hợp bạn không có điều kiện giao tiếp thực tế với người nước ngoài.

Ba phương pháp đầu tiên bao gồm: nghe chép chính tả (dictation), nghe chi tiết, và nghe nhắc lại (shadowing). Đây là nhóm thuộc về kỹ năng "nghe sâu" (intensive listening). Trước khi đi vào chi tiết, các bạn nên hiểu một chút về "nghe sâu".

Nghe sâu là việc lựa chọn bài nghe tương đối ngắn và luyện nghe bài đó chi tiết nhất có thể. Khi nghe sâu, các bạn sẽ biết rõ lý do không nghe được, có thể là do phát âm, từ vựng, tốc độ nói, ngữ pháp, cách diễn đạt mới...

"Nghe sâu" giống như mang kính lúp ra để soi xem mình mắc lỗi gì và làm thế nào để hoàn thiện. Về cơ bản, nghe sâu phù hợp với người học tiếng Anh ở trình độ chưa cao. Ba phương pháp luyện nghe sâu dưới đây có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp, tùy vào người học.

Thứ nhất là chép chính tả. Đây là phương pháp rất hữu ích với những người nghe kém. Bài nghe phù hợp là bài mà bạn sẽ hiểu được 70-80% nội dung. Độ dài 1-5 phút là tương đối phù hợp và bài nghe phải có "transcript" (bản đánh máy).

Lợi thế của nghe chép chính tả là bạn sẽ xác định được chính xác vấn đề của mình khi nghe: lỗi phát âm, từ vựng, ngữ pháp. Hạn chế lớn nhất là phương pháp này rất tốn thời gian và yêu cầu sự kiên nhẫn cao nhất.

Ảnh: BBVA

Ảnh: BBVA

Thứ hai là nghe chi tiết. Cách này giống như chép chính tả, chỉ khác là bạn không cần chép lại. Khi đã luyện chép chính tả thuần thục, bạn có thể tiết kiệm thời gian viết bằng "nghe chi tiết". Lợi ích giống như "chép chính tả", nhưng thêm điểm cộng là tiết kiệm thời gian.

Thứ ba là nghe nhắc lại (shadowing). Khi bạn đã nghe chi tiết tốt rồi, có thể ngồi nghe và nhắc lại ngay lập tức những gì mình nghe được. Lưu ý, khi sử dụng "shadowing" để luyện nghe, bạn cần tắt "subtitle" (hoặc không nhìn vào "transcript"). Kỹ năng này phù hợp với người có khả năng nghe rất tốt hoặc là bài nghe đã rất quen thuộc. 

Lợi thế của "shadowing" là bạn buộc phải nghe được tất cả từ khóa để có thể nhắc lại, hơn thế hiểu được các yếu tố tốc độ, nối âm, từ nhấn của người nói, từ đó, bạn tiến bộ nhanh khi luyện nghe.

Mặc dù có những lợi ích to lớn, hạn chế của "nghe sâu" là rất mất thời gian, chủ đề thường nhàm chán (do độ dài và trình độ người nghe), và phạm vi từ vựng ngữ pháp học được hạn chế (do thời lượng nghe thấp, chỉ 1-5 phút mỗi bài).
Do đó, những người nghe tốt thường không áp dụng "nghe sâu" nữa, mà luyện nghe bằng "extensive listening" - nghe rộng.

Khi bạn đã có thể nghe CNN, BBC, Youtube bằng tiếng Anh và hiểu 70-80% mà không cần quá nỗ lực, đã đến lúc bạn chuyển qua "extensive listening" - phương pháp nghe cuối cùng. Cách này đặc biệt quan trọng với những bạn chuẩn bị tới sống, làm việc ở nước nói tiếng Anh.

"Nghe rộng" không tập trung vào chi tiết giống nghe sâu mà vào việc bạn hiểu người nói. Khi "nghe rộng", bạn có thể mất một từ, hoặc thậm chí một vài câu, nhưng miễn hiểu được nội dung thì coi như đạt yêu cầu. Còn kể cả bắt được hết từ, nhưng chẳng hiểu người ta đang nói gì, coi như chưa đạt.

Lợi thế của nghe rộng là bạn có thể lựa chọn tài liệu nghe phù hợp với sở thích, có độ dài tùy ý. Đôi khi đó là một video hướng dẫn cách học tiếng Anh, hoặc đơn giản là tin tức trên BBC hay CNN.

Tóm lại, khi luyện nghe, bạn cần biết trình độ của mình ở đâu và sẵn sàng dành bao nhiêu thời gian cho luyện tập. Các phương pháp nghe sâu phù hợp hơn với những người mới tập; trong khi nghe mở rộng là lựa chọn ưa thích của những người có khả năng nghe tốt hơn.

Quang Nguyen
Giáo viên tiếng Anh

Nguồn: vnexpress.net